Dĩ hòa vi quý là câu thành ngữ Trung Quốc, Hán văn viết là “以和为贵 – yǐ hé wéi guì”. Câu này nghĩa là lấy việc giữ hòa khí làm trọng. Văn hóa truyền thống của người Trung Quốc mười phần coi trọng sự đối đãi hòa hợp với nhau giữa người với người, việc đối nhân cần phải chân thành khoan hậu, hiểu được tấm lòng của nhau nhằm đạt được mối quan hệ hòa hợp.
Hãy cùng Học tiếng Trung online tìm hiểu về ý nghĩa của câu thành ngữ này nhé!

Ý nghĩa
Trong sách Luận ngữ có câu “礼之用,和为贵 – lễ chi dụng, hòa vi quý”. Có nghĩa là cái vận dụng của lễ quý ở chữ “hòa”. Mạnh Tử cũng có câu “thiên thời chẳng bằng địa lợi, địa lợi chẳng bằng nhân hòa”. Điều này thấy rõ tầm quan trọng của chữ “hòa” trong con mắt Nho gia cũng như người đời.
Quả thực là như vậy. Con người thường hay vì tư lợi và thể diện mà sinh ra nóng giận bất hòa. Khi đã nóng giận thường làm điều mất khôn, gây tổn thất đến đại cục. Người ta thường nói việc nhỏ không nhịn ắt hỏng việc lớn. Khi đôi bên có sự mâu thuẫn nhỏ phát sinh, chỉ cần một trong hai bên có sinh thiện ý, tự nguyện lùi một bước và thể hiện rõ tấm lòng cho bên kia thấy thì bên kia cũng chẳng ngại gì mà lùi một bước. Ngược lại nếu cứ một mực vì quyền lợi hay thể diện của mình mà hành sự cứng rắn tất sẽ sinh ra mâu thuẫn không thể cứu vãn được.
Câu chuyện về “dĩ hòa vi quý”
Vào thời nhà Trần, quân Mông Cổ đang lăm le bờ cõi nước ta. Năm 1282, nhà vua phong cho Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải làm thượng tướng thái sư, là chức vụ có quyền hành rất lớn cả về quân sự lẫn hành chính. Một năm sau, nhà vua lại phong cho Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn giữ chức quốc công tiết chế, nắm quyền điều binh khiển tướng toàn quốc. Hai người này nắm giữ chức vụ trọng yếu quốc gia nhưng vốn lại có tư thù với nhau từ lâu. Nếu mối tư thù giữa họ mà cứ giữ mãi trong lòng ắt sẽ có một ngày gây ra đại họa cho nước nhà.
Cuối cùng Trần Quốc Tuấn đã trở thành người chủ động hòa giải.
Một hôm, Quốc Tuấn từ Vạn Kiếp tới, Quang Khải xuống thuyền chơi suốt ngày mới trở về. Lại Quang Khải vốn sợ tắm gội, Quốc Tuấn thì thích tắm thơm, từng đùa bảo Quang Khải:
“Mình mẩy cáo bẩn, xin tắm giùm”, rồi cởi áo Quang Khải ra, dùng nước thơm tắm cho ông và nói:
— Đại Việt Sử ký Toàn thư.
“Hôm nay được tắm cho Thượng tướng”. Quang Khải cũng nói:
“Hôm nay được Quốc công tắm rửa cho”.
Từ đó, tình nghĩa qua lại giữa hai người càng thêm mặn mà. Bản thân làm tướng văn, tướng võ, giúp rập nhà vua, hai ông đứng hàng đầu.”
Nhờ việc hòa giải mối tư thù, xem đại cuộc làm trọng mà hai vị đại tướng của triều đình có thể đoàn kết một lòng với nhau đánh bại kẻ xâm lược. Thế mới thấy tại sao Nho gia lại coi trọng chữ “hòa” đến như vậy. Làm người luôn phải biết dĩ hòa vi quý.
Các bạn vừa tìm hiểu về câu thành ngữ “dĩ hòa vi quý”. Chúc các bạn học tiếng Trung vui vẻ!
Bình Luận